Thuong-Hieu-Toan-Cau

18C2 Mạc Đăng Dung, Phường Mỹ Quý, TP.Long Xuyên, An Giang

0763.935.455

01269.638.681

boynghia255@gmail.com

Thiết kế website chuyên nghiệp Cung cấp và phát triển phần mềm quản lý doanh nghiệp, phần mềm bán hàng chuyên nghiệp Đăng ký bảo hộ thưng hiệu sản phẩm, bảng quyền logo thương hiệu Tư vấn thủ tục thành lập doanh nghiệp, công ty cổ phần Cung cấp hosting chất lượng cao, đăng ký doamin, email theo tên miền Quảng cáo, làm bảng hiệu alu pano lớn ngoài trời

Thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam có thể theo các hình thức đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư còn đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

Một trong những hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài được đa số các nhà đầu tư lựa chọn là đầu tư thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

Hình thức thành lập Doanh nghiệp có vốn nước ngoài

Doanh nghiệp có vốn nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài thành lập bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam.
Ngoài các hình thức thành lập doanh nghiệp còn có các hình thức đầu tư không thành lập doanh nghiệp, đó là: đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (BTO), và hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).

Điều kiện thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài

Để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam doanh nghiệp cần đảm bảo các điều kiện:

Điều kiện chung:

  • Không thuộc lĩnh vực cấm đầu tư. Lĩnh vực cấm đầu tư như sau:
    • Các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng.
    • Các dự án gây phương hại đến di tích lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
    • Các dự án gây tổn hại đến sức khỏe nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường.
    • Các dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào Việt Nam; sản xuất các loại hóa chất độc hại hoặc sử dụng tác nhân độc hại bị cấm theo điều ước quốc tế.
  • Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực đầu tư có điều kiện phải đảm bảo các điều kiện đầu tư theo quy định.

Điều kiện trong các lĩnh vực cụ thể:

  • Điều kiện thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất:
    • Nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo có địa điểm thực hiện dự án phù hợp quy hoạch phát triển của địa phương.
    • Phải có năng lực tài chính để thực hiện dự án.
    • Đảm bảo các điều kiện về môi trường, an ninh trật tự.
  • Điều kiện thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại:
    • Nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo có địa điểm thực hiện dự án.
    • Phải có năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm để thực hiện dự án.
    • Việc xuất, nhập khẩu và phân phối các mặt hàng phải có mã HS và không thuộc trường hợp cấm, hạn chế xuất nhập khẩu, phân phối và phù hợp với lộ trình theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
  • Điều kiện thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ:
    • Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được đăng ký các ngành dịch vụ mà Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường khi gia nhập WTO.
    • Phải đảm bảo các điều kiện cụ thể theo cam kết về dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO.
    • Nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo có địa điểm thực hiện dự án.
    • Phải có năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm để thực hiện dự án.

Thành phần hồ sơ

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài được chia thành hai loại: hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư áp dụng đối với các dự án đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư dưới 300 tỷ đồng và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện và hồ sơ thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư áp dụng đối với các dự án đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng trở lên hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Hồ sơ đăng ký đầu tư gồm:

  • Bản đăng ký đầu tư (theo mẫu);
  • Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
  • Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư (do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm).
  • Đối với trường hợp dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư phải nộp kèm theo:
  • Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
  • Hợp đồng liên doanh đối với hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Hồ sơ thẩm tra đầu tư gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư (theo mẫu);
  • Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư (đối với nhà đầu tư là tổ chức thì nộp bản sao quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các tài liệu tương đương khác; đối với nhà đầu tư là cá nhân thì nộp bản sao hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân);
  • Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư (do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm);
  • Giải trình kinh tế – kỹ thuật bao gồm các nội dung chủ yếu: mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất, giải pháp về công nghệ và giải pháp về môi trường;
  • Giải trình khả năng đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện;
  • Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh;
  • Đối với trường hợp dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư phải nộp kèm theo:
  • Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
  • Hợp đồng liên doanh đối với hình thức thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. 

Trình tự, thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư:

  • Nhà đầu tư nộp 1 bộ hồ sơ lên cơ quan quản lý đầu tư cấp tỉnh (Sở kế hoạch và đầu tư hoặc ban quản lý khu công nghiệp).
  • Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký đầu tư, hồ sơ đăng ký kinh doanh (đối với trường hợp thành lập tổ chức kinh tế gắn với dự án đầu tư) và cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà không được yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ nào khác.
  • Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư sao gửi Giấy chứng nhận đầu tư đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ quản lý ngành có liên quan.

Trình tự, thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư:

  • Nhà đầu tư nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư 8 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc (đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư); nộp cho Ban Quản lý 4 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc (đối với dự án do Ban quản lý cấp Giấy chứng nhận đầu tư).
  • Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm tra của sở, ngành liên quan; trường hợp cần thiết thì gửi hồ sơ lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan.
  • Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư biết để sửa đổi, bổ sung hồ sơ dự án đầu tư.
  • Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan được hỏi có ý kiến thẩm tra bằng văn bản và chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng quản lý của mình.
  • Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm tra, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm tra, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
  • Đối với dự án do Ban quản lý cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban quản lý tổng hợp ý kiến các cơ quan được hỏi ý kiến để quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
  • Trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư gửi thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.
  • Trong thời hạn 7 ngày làm việc sau khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư sao gửi Giấy chứng nhận đầu tư đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan.

Trường hợp dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng chính phủ:

  • Nhà đầu tư nộp 10 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó ít nhất có 1 bộ hồ sơ gốc.
  • Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm tra của các Bộ, ngành liên quan.
  • Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư biết để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
  • Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan được hỏi có ý kiến thẩm tra bằng văn bản và chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng quản lý của mình.
  • Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư lập báo cáo thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về chủ trương đầu tư.
  • Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo thẩm tra trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban Quản lý, Văn phòng Chính phủ thông báo bằng văn bản ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về dự án đầu tư.
  • Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban Quản lý cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
  • Trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư gửi thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.
  • Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư sao gửi Giấy chứng nhận đầu tư đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan.